- Đại ca, đây cũng không phải trên triều đình, huynh cứ theo lễ huynh đệ với đệ là được!
Triệu Hú cao hứng nhìn Triệu Dật. Y và Triệu Dật đã nhiều năm không gặp, lần trước khi điều Triệu Dật đến Thái Sơn, Triệu Dật cũng đang ở Tây Vực, nhận được lệnh liền đến thẳng Thái Sơn, chưa hề được gặp Triệu Hú.
- Lễ quân thần không thể bỏ, thần không dám đi quá giới hạn!
Triệu Dật kính cẩn nói.
Thấy thế, Triệu Hú không khỏi cười khổ:
- Đại ca vẫn như vậy… Thôi được, đệ không khuyên huynh nữa, đợi lát nữa tam ca đến, huynh đệ chúng ta ngồi cùng nhau uống vài chén!
Triệu Hú biết rõ tính tình vị đại ca kia của mình. Từ nhỏ, Triệu Dật đã luôn lễ phép hơn những đứa trẻ khác rất nhiều, lớn lên lại càng như vậy, lễ tiếp khách vô cùng chu đáo. Đó là một chuyện tốt, nhưng cũng là một chuyện xấu. Bởi bộ dạng dày dặn này của Triệu Dật khiến người ta không dám thân cận. Về điểm này thì hắn ta không bằng Triệu Tuấn. Thường thì khi Triệu Tuấn gặp Triệu Hú, nếu không có người khác đều xưng huynh gọi đệ.
Đang nói chuyện, Triệu Tuấn bỗng từ ngoài vào, hắn ta thấy Triệu Dật liền cười tiến tới thi lễ. Lần này, Triệu Dật tỏ ra nhiệt tình hơn, chắc bởi vì Triệu Tuấn không phải hoàng đế, địa vị giữa hai người không khác nhau là bao. Điều này khiến Triệu Hú bên cạnh thầm than một tiếng. Ngoại trừ một vài người, đại đa số mọi người bên cạnh y vì thân phận mà phải giữ khoảng cách, làm y có cảm giác rất cô độc.
Triệu Tuấn là một trong số ít người không để tâm lắm đến thân phận Triệu Hú, hơn nữa, người này tâm tư ngay thẳng, đoán được suy nghĩ của Triệu Hú nên khi trò chuyện cùng Triệu Dật cũng không quên lôi Triệu Hú vào, không khí giữa ba huynh đệ dần dần ấm áp hẳn. Đặc biệt, Triệu Hú chủ động bàn về một số chuyện thú vị gần đây, vô tình kéo gần ba người lại với nhau.
Mấy ngày kế tiếp, Triệu Hú thừa dịp đại lễ phong thiện còn chưa bắt đầu, lòng vòng dưới Thái Sơn, đến một vài nơi nổi danh như Đại Miếu. Nơi đây vốn tên là Đông Nhạc miếu, được xây vào triều Hán, đến triều Đường thì đã hình thành một khu kiến trúc có quy mô khổng lồ. Sau khi Đại Tống dựng nước, lão tổ tông Triệu Khuông Dận của Triệu Hú còn phái người trùng tu Đông Nhạc miếu, tiếp đó Tống Chân Tông đến Thái Sơn phong thiện đã xây một tòa Thiên Huống điện trong Đông Nhạc miếu, hơn nữa còn phong Thái Sơn thần là “Nhân Thánh Thiên Tề Vương”. Phong thiện xong, Tống Chân Tông cho người khắc một khối bia đá ở miếu, trên đó viết “Đại Tống Đông Nhạc Thiên Tề Nhân Thánh Đế bi minh đích bi văn”, thật ra là để ghi lại sự việc ông ta đã đến đây phong thiện, để cho hậu nhân ghi nhớ. Tuy nhiên, phong thiện ông ta làm cũng chỉ là một trò cười, cho nên sau này, khối bia chỉ gợi lại những điều buồn cười mà Tống Chân Tông đã làm mà thôi.
Đúng ra thì Triệu Hú phải gọi Tống Chân Tông là thái tổ phụ, nhưng đối với vị thái tổ phụ không đáng tin cậy này, Triệu Hú cảm thấy vô cùng bất đắc dĩ. Mà dù sao thì chuyện cũng đã rồi, y đâu thể thay đổi được lịch sử, xui xẻo hơn là y phải đích thân đến văn bia Tống Chân Tông lưu lại lần trước tế bái bày tỏ lòng tôn kính của mình với thái tổ phụ. Có trời mới biết khi y ở đây tế bái văn bia, trong lòng có thầm chửi vị thái tổ phụ này của mình không! ?
Trải qua thời gian chuẩn bị, đến ngày, đại lễ phong thiện lập tức được cử hành. Toàn bộ nghi thức chủ yếu của đại lễ được chia làm hai phần: một là phong lễ tế thiên, hai là thiện lễ tế địa, hai phần hợp lại mới gọi là phong thiện. Có điều, trình tự hai phần này có chút khác biệt. Trước kia, Tần Thủy Hoàng phong thiện, tế thiên trước, sau mới tế địa, mà lúc Hán Vũ Đế lại thành tế địa trước, sau mới tế thiên. Hai người này làm hoàn toàn trái ngược nhau.
Triệu Hú bị Triệu Nhan ảnh hưởng, có cái nhìn rất tích cực về Tần Thủy Hoàng, cộng với lòng kính nể võ công của ngài, vì vậy rất hi vọng có thể theo lễ nghi của Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, xét lại thì thanh danh Tần Thủy Hoàng rất không tốt, ngài rất ghét Nho gia. Mặc dù ảnh hưởng Nho giáo ngày càng đi xuống, nhưng vẫn đứng vị trí đầu, sau khi suy xét kĩ lưỡng, cuối cùng Triệu Hú đành phải chọn dựa vào lễ nghi của Hán Vũ Đế.
Bởi vậy, sau khi đại lễ phong thiện bắt đầu, việc đầu tiên Triệu Hú làm là đến Lương Phụ sơn bên cạnh Thái Sơn. Tòa núi nhỏ này cao trăm trượng, vừa hay là chỗ ngày trước Tần Thủy Hoàng tế địa. Trên núi đã được bố trí dàn tế xong xuôi, giết bò trắng Tây Tạng, nai trắng, lợn và các tế phẩm ngay tại chỗ, xung quanh có đội nhạc tấu. Triệu Hú đứng giữa tiếng nhạc long trọng cử hành lễ tế.
Lễ tế địa chấm dứt, Triệu Hú mới dẫn theo các đại thần đến chân núi Thái Sơn. Lúc này, ở đó cũng có bố trí một dàn lễ, Triệu Hú cử hành lễ tế thiên thứ nhất ở trong này, sau đó dẫn đầu mọi người bộ hành lên núi, đến đỉnh Thái Sơn cử hành lễ tế thứ hai.
Đợi đến khi lễ tế thiên kết thúc, mặt trời phía tây đã sắp lặn xuống. Thế núi Thái Sơn không hiểm trở như Hoa Sơn, nhưng cũng không thích hợp cho việc xuống núi suốt đêm. Mấy người Triệu Hú sẽ nghỉ trên núi một đêm, đây là do Triệu Hú cố ý sắp xếp. Cứ vậy, bọn họ có thể chiêm ngưỡng được một chút ánh hoàng hôn trên Thái Sơn, đến sáng mai có thể thấy biển mây và mặt trời dần dần mọc. Đây chính là cảnh đẹp nổi danh ở Thái Sơn, tuyệt đối không thể bỏ qua được.
Mặt trời chiếu ngả về tây, Triệu Hú đứng trên đỉnh Thái Sơn cúi xuống nhìn trời chiều, chỉ thấy mấy gợn mây tản ra bị trời chiều nhuộm thành một viền vàng, như thể một dãy núi bằng mây được ánh nắng ôm ấp vậy, nhìn đồ sộ vô cùng, cũng khiến lòng người trống trải hẳn.
- Nắng chiều thật tuyệt, trước kia chỉ nghe miêu tả, đến giờ ta mới phát hiện, hóa ra thiên ngôn vạn ngữ cũng khó diễn tả được cảnh đẹp trước mắt!
Triệu Hú say đắm nhìn bầu trời xa xa, lẩm bẩm.
- Trời chiều đẹp vô hạn, chỉ tiếc đã sắp hoàng hôn rồi. So ra, ta chờ mong ngày mai ngắm mặt trời mọc hơn!
Triệu Tuấn cười nói. Nói đến câu cuối, y bỗng liếc nhìn Triệu Dật một cái, trong ánh mắt ấy lại ẩn chứa ý tứ mà người thường khó có thể hiểu được.
Truy cập tên miền Tamlinh247.Online nếu không vào được web nhé
Top Truyện hay nhất